Triển vọng của giá dầu nếu EU thông qua lệnh trừng phạt lên dầu thô của Nga

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tung thêm gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga để đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Gói trùng phạt này bao gồm một lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga. Theo đó, khối này đề xuất giảm dần để tiến tới cấm vận dầu Nga vòng 6 tháng và đến cuối năm nay sẽ bắt đầu cấm vận dầu Nga.

Điều này khiến giới chuyên gia thêm lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng từ Nga trong khi nhu cầu dầu thô của thế giới vẫn đang hồi phục mạnh mẽ và có thể về mức trước đại dịch khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày cuối năm 2022.

Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia với sản lượng xuất khẩu đạt 5 triệu thùng/ngày, 50% trong số đó có điểm đến là Châu Âu, 30% sang Trung Quốc và 20% còn lại sang các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương.

Nếu lệnh cấm vận dầu từ Nga có hiệu lực, EU sẽ phải chật vật để tìm kiếm khoảng 2.5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ các nhà cung cấp khác với nhiều chi phí hơn và thách thức về khâu hậu cần.

Trong khi đó tại cuộc họp ngày 5/5, các nước thành viên OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn 432.000 thùng/ngày, phớt lờ lời kêu gọi của các nước phương Tây. Thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran mặc dù đã nối lại đàm phán nhưng cũng chưa thể kỳ vọng vào một kết quả khả quan khiến việc tiếp cận nguồn cung 500.000 thùng/ ngày từ Iran vẫn là dấu hỏi lớn.

Hơn nữa, Kho dự trữ dầu của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2002. Việc giải phóng 180 triệu thùng dầu mà không có nguồn dầu bù đắp sẽ khiến quy mô kho dự trữ giảm khoảng 30%, điều này ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn nhưng có thể dẫn đến nhu cầu từ Mỹ tăng trong dài hạn vì quốc gia này sẽ cần phải nạp đầy trở lại kho dự trữ.

Có thể thấy, mức độ phản ứng của giá dầu thô sẽ phụ thuộc nhiều vào lộ trình cắt giảm trước khi chính thức cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU). Nhưng xét về dài hạn, nền kinh tế châu Âu “có thể kiểm soát được” tác động của lệnh cấm vận, nhưng những bấp bênh về nguồn cung sẽ tiếp tục giữ giá dầu ở mức cao.

Những đợt đóng cửa chống dịch ở Trung Quốc có dẫn đến rủi ro tiềm ẩn đối với nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn nhưng cũng sẽ là cơ hội mua vào đối với các nhà đầu tư dầu dài hạn.

Giá dầu bứt phá mạnh mẽ vượt qua ngưỡng kháng cự 108. Mẫu hình 3 đáy đáng tin cậy cho thấy khả năng tiếp tục đi lên của giá dầu. RSI(20) sau thời gian giao động quanh ngưỡng 50 cũng đã hướng lên cho thấy bên mua đang dần chiếm ưu thế. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua nếu nhịp điều chỉnh quanh ngưỡng 108-109 với mục tiêu 120, cắt lỗ khi giá thủng 96.

Mr. Hoàng tổng hợp

Chia sẻ bài viết:

Bài tương tự