Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 13/04/2022

Nông sản

Giá ngô tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 10 năm do lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Xuất khẩu ngô của Ukraine dự kiến thấp hơn 6 triệu tấn so với dự báo của USDA và chỉ khoảng 50% so với niên vụ trước. Lệnh phong tỏa tại Trung Quốc khiến cho tiến độ gieo trồng đang bị trì hoãn và nguồn cung phân bón bị gián đoạn sẽ tác động tiêu cực đến năng suất và sản lượng.

Lúa mì tiếp nối đà tăng mạnh trong phiên thứ 4 liên tiếp do nguy cơ chiến tranh kéo dài. Quân đội Nga đang có những bước chuẩn bị lớn cho giai đoạn mới của cuộc chiến Nga-Ukraine. Các dự báo về việc cắt giảm sản lượng và diện tích cho mùa vụ mới ở Ukraine đã liên tiếp được đưa ra nhưng với tình hình hiện tại, những số liệu này còn có thể sẽ thấp hơn nữa.

Đậu tương chỉ tăng nhẹ 5 cents, trong khi dầu đậu tiếp tục lại là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm với hơn 3.5% do được hỗ trợ từ diễn biến dầu thô. Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang là yếu tố hỗ trợ giá dầu đậu cũng như gián tiếp tác động “bullish” đến giá đậu tương.

Trong khi đó, nhu cầu suy giảm tại Trung Quốc khi nhập khẩu trong tháng 3 giảm 18% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận chăn nuôi thấp, nhu cầu khô đậu suy yếu, nhà máy giảm sản lượng ép dầu. Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung nới lỏng khi Brazil nâng dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 4 của nước này lên mức 12.02 triệu tấn

Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/04, lực bán chiếm ưu thế trên bảng giá của thị trường nguyên liệu công nghiệp. Cụ thể, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 3.6% về mức 225 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0.3% xuống còn 2091 USD/tấn.

Đứng trước những lo ngại về lạm phát, giới đầu tư tiếp tục luân chuyển dòng tiền vào các tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng và bạch kim. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng đang bị suy yếu do người dân ở Mỹ và khu vực châu Âu đang phải ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng lương thực thiết yếu hơn, đặc biệt là trong bối cảnh giá nông sản vs nhiên liệu neo ở mức cao.

Đối với mặt hàng Robusta, mức giảm trong phiên hôm qua xuất phát từ áp lực bán mạnh trên thị trường Arabica. Theo các chuyên gia cà phê tại Italia, 2022 sẽ là 1 năm thử thách đối với các nhà sản xuất cà phê do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Giá đường 11 đóng cửa giảm 0.6% về mức 20.1 cents/pounds, giá đường trắng tăng 2.3% lên mức 576.2 USD/tấn. Đây là phiên thứ hai giá của 2 mặt hàng này diễn biến trái chiều nhau. Trước sự hồi phục của giá dầu thô, khả năng cao các nhà sản xuất ở Brazil sẽ đẩy mạnh sản xuất ethanol thay vì đường. Tập đoàn công nghiệp Unica cho biết, ép mía ở khu vực trung nam Brazil trong nửa sau của tháng 3 giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.2 triệu tấn. Ngoài ra, thị trường dự kiến sẽ có khoảng 250.000 đến 300.000 tấn đường được được giao sau khi kết thúc hợp đồng kỳ hạn tháng 5.

Giá cacao đóng cửa không đổi và đạt 2583 USD/tấn. Mặt hàng này đang bị chi phối bởi những lo ngại về nguồn cung cùng sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ do cacao được coi là mặt hàng “xa xỉ” phẩm, do đó giá giằng co và đóng cửa ở mức tham chiếu.

Năng lượng

Giá dầu duy trì đà tăng do nguy cơ cẳng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang khi Mỹ và các nước Châu Âu gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine trong khi Nga cho biết thời gian thực hiện chiến dịch quân sự sẽ phụ thuộc vào “cường độ” của các hành động thù địch. Trung Quốc đang thí điểm rút ngắn thời gian cách ly ở 8 thành phố, qua đó tạo khả năng nước này sẽ nới lỏng phương thức chống dịch, được kỳ vọng đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo các hoạt động sinh hoạt không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Tuy nhiên thị trường “bỏ qua” các cảnh báo của IEA khi điều chỉnh dự báo nguồn cung giảm từ phía Nga ở mức 700,000 thùng/ngày so với mức 3 triệu thùng/ngày trước đó. Và cả 3 tổ chức lớn là IEA, EIA hay OPEC đều đã giảm dự báo tiêu thụ nhiên liệu trong năm 2022, là một tín hiệu tiêu cực trên thị trường. Báo cáo tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu tăng rất mạnh 9.4 triệu thùng, so với dự đoán tăng 900,000 thùng/ngày. Nhu cầu cũng giảm đáng kể 1 triệu thùng/ngày so với tuần trước và giảm 1.5 triệu thùng so với năm ngoái khi Mỹ đang bước vào thời điểm giảm đi lại sớm hơn các năm.

Kim Loại

Sức mua áp đảo giúp cho sắc xanh vẫn duy trì trên phần lớn bảng giá của nhóm kim loạiGiá vàng vẫn có mức tăng nhẹ 0.6% lên 1977.7 USD/ounce, giá bạc đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn 1.15% lên 26 USD/ounce. Giá bạch kim hoàn tất một phiên thăng hoa của nhóm kim loại quý, kết thúc phiên cao hơn gần 2% lên 989.6 USD/ounce.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giằng co mạnh trong phiên nhưng kết thúc phiên không thay đổi nhiều so với giá tham chiếu trước đó là 4.71 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt đánh mất sắc xanh với mức giảm 2.5% về 151 USD/tấn. Thị trường đang đón nhận nhiều tin tức tích cực liên quan đến tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc. Ngoài việc nới lỏng một số lệnh giãn cách, các nhà chức trách cũng dự tính sẽ thí điểm cắt giảm thời gian cách ly bắt buộc đối ới những người đến từ nước ngoài hoặc có tiếp xúc với các ca dương tính ở 8 thành phố. Đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẽ mở đường cho các biện pháp khôi phục nền kinh tế và củng cố triển vọng tiêu thụ của các mặt hàng kim loại. Tuy nhiên, giá vẫn gặp phải sức ép bán trong phiên hôm qua và tiếp tục đi ngang do các nhà đầu tư cần những thông báo chắc chắn hơn so với những kỳ vọng.

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Chia sẻ bài viết:

Bài tương tự