Giá dầu đối mặt với sự điều chỉnh lớn nếu không phá vỡ được kháng cự trên
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi mà số liệu tồn kho giảm kết hợp với đà tăng của chứng khoán trong phiên tối 1 lần nữa trở thành động lực để giá đi lên. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.76% lên 76.56 USD/thùng, giá Brent tăng 0.69% lên 79.21 USD/thùng.
Mặc dù giá dầu đã có lúc bật tăng gần 1 USD/thùng sau thông tin của báo cáo tồn kho, tuy nhiên áp lực chốt lời kết hợp với thông tin không quá chênh lệch so với dự đoán của thị trường đã khiến cho giá WTI không giữ được vùng 77 mà quay đầu giảm. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với Brent, khi giá quay đầu ngay sau khi chạm mức 80 USD/thùng.
2 phiên tăng không đáng kể gần đây phần nào thể hiện thị trường vẫn đang ở trong thế giằng co với các kỳ vọng trái chiều. Một mặt, rủi ro nguồn cung gián đoạn vẫn còn khi sản lượng dầu khí của Nga được cho là ngày càng tiến sát đến đến công suất tối đa. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống tại Libya có khả năng bị lùi đến ít nhất là ngày 24 tháng 1. Từ giờ cho đến lúc đấy, không chắc chắn các bên liên quan có thể đàm phán lại với nhau để phục hồi sản lượng tương đương 300,000 thùng/ngày hay không. Bên cạnh đó là các bất ổn tại Mexico với khả năng nước này thật sự cắt 400,000 thùng/ngày sản lượng cho thị trường quốc tế. Mặt khác, giá khí tự nhiên tại châu Âu đã hạ gần 40% trong vòng 2 tuần và giảm bớt đà hỗ trợ cho thị trường. Trong khi đó chính phủ Trung Quốc cũng đã cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong đầu năm sau. Và hơn hết vẫn còn yếu tố bất ngờ là dịch COVID-19. Nếu thị trường thực sự bỏ qua được các lo ngại về biến thể này giá có thể sẽ nhanh chóng quay lại vùng giá 80. Ngược lại, giá đối mặt với khả năng chịu điều chỉnh lớn, nhất là khi nguy cơ dư cung trong quý I vẫn còn.
BIỂU ĐỒ PHÂN TÍCH KĨ THUẬT GIÁ DẦU WTI

Nguồn: Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam